Quyền ly hôn, điều kiện ly hôn. Tài liệu cần chuẩn bị trong Hồ sơ ly hôn khi nộp cho Tòa án. Các trường hợp Tòa án giải quyết cho thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

Cập nhật: 8/9/2017 | 2:02:58 PM

Quyền ly hôn, điều kiện ly hôn. Tài liệu cần chuẩn bị trong Hồ sơ ly hôn khi nộp cho Tòa án. Các trường hợp Tòa án giải quyết cho thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều kiện ly hôn

Tòa án quyết định chấp nhận yêu cầu ly hôn khi có các điều kiện sau: vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình với bên kia hoặc với các thành viên khác trong gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng như nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau … làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Như vậy việc hòa giải trước khi nộp Đơn yêu cầu ly hôn ra Tòa án không phải là điều kiện bắt buộc, khi không có văn bản về việc đã hòa giải ở cơ sở Tòa án vẫn đủ điều kiện thụ lý giải quyết vụ án về ly hôn.

Tài liệu cần chuẩn bị trong Hồ sơ ly hôn

Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trên thực tế, một số Tòa án địa phương yêu cầu đương sự phải nộp đủ các loại giấy tờ, tài liệu sau:

-   Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu bị mất hoặc vợ, chồng giấu bản chính phải có bản đăng ký lại do UBND xã, phường, thị trấn cấp)

-   Bản sao Giấy CMND, Thẻ căn cước của vợ, chồng

-   Bản sao Sổ hộ khẩu của vợ, chồng

-   Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con chung)

-   Bản sao giấy tờ về tài sản chung của vợ chồng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy đăng ký xe ô tô, xe máy ...vv…

-   Bản sao giấy tờ về nợ chung hoặc giấy tờ cho vay tiền, tài sản khác.

Căn cứ quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền như sau:

1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

5. Tranh chấp về cấp dưỡng.

6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Hòa giải tại Tòa án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành lấy lời khai của đương sự trong vụ án, triệu tập thêm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định.

Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;

b) Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất