Thế nào là chung sống như vợ chồng? Hậu quả pháp lý của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Cập nhật: 8/9/2017 | 1:49:07 PM

Thế nào là chung sống như vợ chồng? Hậu quả pháp lý của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Nếu nam nữ chỉ lén lút quan hệ tình dục với nhau mà không sống chung thì không coi là chung sống như vợ chồng.

Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có thể xảy ra các hậu quả pháp lý như sau:

- Trường hợp nam, nữ đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp cấm kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nếu nam, nữ sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

- Trường hợp nam, nữ đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ở tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất là 03 năm tù.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất