Phân tích các điều kiện kết hôn. Những người cùng giới tính có được kết hôn với nhau không? Làm thế nào để hợp pháp hoá việc kết hôn giữa những người cùng giới tính?

Cập nhật: 8/9/2017 | 1:46:37 PM

Phân tích các điều kiện kết hôn. Những người cùng giới tính có được kết hôn với nhau không? Làm thế nào để hợp pháp hoá việc kết hôn giữa những người cùng giới tính?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo 04 điều kiện sau đây:
1) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Trước đây Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đều quy định độ tuổi kết hôn là Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên dẫn đến cách hiểu là nam bắt đầu bước sang tuổi 20, nữ bắt đầu bước sang tuổi 18 đã đủ điều kiện kết hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định chặt chẽ hơn khi bổ sung thêm từ “đủ” vào độ tuổi, có nghĩa nam phải tròn 20 tuổi không thiếu 01 ngày, nữ phải tròn 18 tuổi không thiếu 01 ngày mới đủ tuổi kết hôn.

2) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

Quy định này nhằm đề cao tính độc lập về suy nghĩ và sự tự nguyện, chủ động quyết định dựa trên tình cảm, tình yêu của mỗi bên nam, nữ khi kết hôn. Đây cũng là đặc điểm quan trọng của chế độ hôn nhân tiến bộ, khác với chế độ hôn nhân cổ hủ thời phong kiến với quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, ép buộc một bên hoặc cả 02 bên nam nữ phải kết hôn trái với ý chí, nguyện vọng, tình cảm của mình.

3) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân trong việc nhận thức, điều khiển hành vi của mình xác lập quyền, thực hiện nghĩa vụ dân sự với cá nhân, tổ chức khác.

Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Nếu người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn với người khác sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng được gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người bạn đời của mình cũng như các thành viên khác trong gia đình. Chưa kể người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn với người khác có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hoặc tạo ra các thế hệ cũng bị mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Khoản 5 Điều 10 của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” còn khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Quy định như vậy có nghĩa là Nhà nước sẽ không công nhận mối quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính là hợp pháp, không chấp nhận cho họ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những người cùng giới có thể làm lễ cưới, thực hiện các nghi thức kết hôn như những cặp đôi nam nữ bình thường khác tuy nhiên pháp luật lại không công nhận mối quan hệ của họ là hôn nhân hợp pháp, việc họ ăn ở chung với nhau không làm phát sinh quyền, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm như vợ chồng hợp pháp có đăng ký kết hôn.

Cách duy nhất giải quyết được sự bế tắc cho tình trạng hôn nhân đồng giới là 01 bên làm thủ tục chuyển đổi giới tính để hợp pháp hoá việc kết hôn. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Như vậy 01 bên sau khi đã chuyển đổi giới tính, cải chính lại hộ tịch thì hoàn toàn có đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký kết hôn với “một nửa” kia của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất