Tạm giữ nhóm nông dân nghèo trên đường đi làm thuê: Dính vòng lao lý vì xuất ngoại kiếm miếng ăn

Cập nhật: 5/9/2017 | 4:06:37 PM

Trong vụ việc này, công an có thể xử lý đúng luật, nhưng về tình, thì còn quá nhiều ý kiến băn khoăn. Người nông dân nghèo, ít học, ở quê thất nghiệp nên rủ nhau vượt biên đi làm thuê kiếm miếng ăn, liệu có nên quá nặng tay xử lý hình sự?

Tươi Nguyễn

Gia cảnh đông con, bố mẹ già yếu, trách nhiệm với đại gia đình ngày càng đè nặng lên đôi vai anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1981, ngụ thôn 10, xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Tiền công mỗi ngày nai lưng ra làm thuê không đủ tiền ăn uống, thuốc men, lại thấy nhiều người cùng địa phương sang Trung Quốc làm ăn có vẻ khấm khá, anh Dũng cũng “liều một phen”. Nào ngờ anh dính vòng lao lý.

Dân quê thật thà vướng vòng lao lý

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Công an xã Quảng Vọng, cho biết: Vào khoảng 8h ngày 16/3/2014, Công an xã nhận được tin của Công an huyện Quảng Xương, thông báo có một số công dân ở xã vừa bị bắt giữ khi đang trên xe ô tô chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc. Chuyến đi có hơn 30 người thì bảy người thuộc xã Quảng Vọng (đều thuộc độ tuổi từ 32 – 35 tuổi), trong đó có hai cặp vợ chồng. Phần lớn họ đi lao động “chui”, không có giấy tờ xuất nhập cảnh. Riêng anh Nguyễn Văn Dũng là người từng sang Trung Quốc một lần và không rõ ai đưa sang. “Nhận được tin báo, Công an xã đã nhanh chóng tới Công an huyện để nhận người. Sáu người đã được cho về nhà ngay chiều hôm đó, chỉ riêng anh Dũng bị giữ lại để điều tra tiếp”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống rất khó khăn, trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Mặc dù chính quyền vẫn tích cực tuyên truyền, phổ biến nhưng tình trạng người vượt biên sang biên giới làm kinh tế liên tục diễn ra. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân gặp khó khăn trong việc kiếm việc làm nên phải “tìm cách” để sinh nhai. “Tình trạng xuất cảnh trái phép không chỉ diễn ra ở địa phương này mà ở nhiều xã khác. Trước Tết, có những người vượt biên lao động về đã có tiền. Họ xây được nhà cao cửa rộng, con cái học hành tới nơi tới chốn, cuộc sống gia đình cải thiện đáng kể. Nhiều người khác thấy thế cũng muốn đi, rồi người này mách người kia kéo nhau đi cùng …”, ông Bình nói.

Tại xã Quảng Vọng, những người bị bắt giữ vừa qua đều thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trưởng công an xã cho biết: Dù hành vi vượt biên trái phép của người dân là vi phạm pháp luật, nhưng “đa phần, họ đều là những công dân tốt, làm nông thuần túy, không phải thành phần bất hảo, có tiền án tiền sự trong xã hội. Cuộc sống quá khó khăn nên đành đi làm ăn xa. Đây là đi lao động chứ không vì mục đích xấu nào cả”.

Ông Bình tỏ vẻ ái ngại, nói thêm: “Họ là dân quê chân chất, thật thà nên khi bị cơ quan chức năng bắt giữ và hỏi, những người dân này đã nói thật. Thực ra, cũng chưa có cơ sở nào bảo họ đang vượt biên trái phép, vì họ đang lưu thông trên đường thuộc địa phận Việt Nam và chưa đặt chân qua biên giới. Xét thêm hoàn cảnh và con người, rất mong các cơ quan chức năng xem xét xử lý cho người dân sao cho có tình, có lý, nhằm giúp người dân nhận thức rõ được sai phạm của mình để không tái phạm”.

Gia cảnh khốn khổ

Về phần anh Dũng, sau sáu ngày bị tạm giữ tại Công an huyện Quảng Xương, chiều ngày 21/3/2014, anh đã được về với gia đình nhờ sự bảo lãnh của Chủ tịch xã Quảng Vọng. Gương mặt còn mệt mỏi, anh Dũng tâm sự: “Tôi thấy xung quanh có nhiều người đi sang Trung Quốc làm ăn về có tiền. Phần vì gia đình khó khăn, phần vì ở nhà đi làm thuê tiền công chẳng là bao, nên tôi quyết định theo người ta sang đó làm ăn xem có ổn hay không”.

Theo lời kể, khi mới bước chân sang đó “lạ nước lạ cái”, anh Dũng phải rất chật vật mới kiếm được công việc. Thu nhập thấp nhưng nghĩ vất vả lắm mới sang được thì đành cố làm, rồi gắng tiết kiệm gửi về cho vợ con. “Tôi đi từ giữa năm 2013, gửi được ít tiền về đỡ đần cho gia đình. Mới đây, tôi nhận được tin thằng con trai út mới hơn hai tuổi bị ốm nặng phải đi bệnh viện, lo lắng quá nên tranh thủ gom góp ít tiền mang về thăm con”, anh nói.

Về nhà thấy con đã khỏe mạnh, anh lần nữa khăn gói đi làm ăn chuyến nữa. Tuy nhiên, trước khi đi, nhiều anh em, họ hàng thấy anh Dũng đi làm về có tiền nên sang tận nhà “năn nỉ” cho họ theo cùng. “Bà con ở đây sống tình cảm, hay giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân tôi chỉ nghĩ “mình đi làm xa mà kiếm được nhiều tiền hơn ở nhà thì cũng nên giúp đỡ mọi người”. Ai ngờ sự việc lại thành ra như thế này…”, anh Dũng gượng cười.

Cảm thông cho hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng anh Dũng, một người hàng xóm chạnh lòng chia sẻ: “Vợ chồng chú Dũng cưới nhau từ năm 2002, hiện có ba đứa con, vợ con đều đau ốm liên miên. Bố mẹ đã già cả, nhà có năm anh chị em (ba gái, hai trai), nhưng người anh trai bị bệnh đã qua đời nhiều năm, còn một người chị bệnh tật. Bởi vậy, mọi gánh nặng trong gia đình đều đè nặng lên vai chú ấy”.

Vợ con nhịn đói mò cua, bắt cáy chờ chồng 

Vợ anh Dũng từ lúc thấy chồng được bảo lãnh trở về chỉ ngồi lặng lẽ lau nước mắt cứ lăn dài trên má. Người vợ tâm sự: “Vợ chồng nghèo khó nên ruộng đất đều đã bán. Mãi sau này, anh Dũng đi làm về có chút tiền, hai vợ chồng tôi mới mua được một sào ruộng để cấy hái”. Chồng đi làm xa, mấy mẹ con chị ở nhà ngày ngày đi bắt con cua, con cáy sống cho qua ngày. “Mấy mấy tháng anh ấy không có tiền gửi về cho gia đình, nên mẹ con ở nhà đành nương tựa vào nhau mà sống. Nhiều lần phải đi vay tiền hàng xóm, bạn bè. Chỗ nào vay được tôi đều đã vay. Hiện vợ chồng đang nợ rất nhiều tiền”, người vợ nghẹn ngào.

Kể lại những ngày chồng bị bắt giữ, chị khóc: “Nghe tin chồng bị bắt giữ, tôi hoang mang lo lắng vô cùng. Anh ấy là trụ cột chính trong gia đình, không có anh ấy, bố mẹ già và mẹ con tôi biết sống sao đây…”. Nỗi lo sợ càng nhân lên khi chị thấy những người trong xã bị bắt cùng anh Dũng đều được cho về ngay chiều cùng ngày, còn chồng mình sao chưa thấy trở về. “Không thấy chồng, tôi đứng ngồi không yên, ruột gan nóng như lửa đốt. Sau đó, công an báo, chồng tôi phải có người bảo lãnh mới được về nên tôi cùng anh em trong gia đình nhờ Chủ tịch xã đến bảo lãnh giúp. May mắn cuối cùng anh ấy cũng được về nhà”, người vợ cho biết.

Không đủ sức đứng vững, vợ anh Dũng dựa hẳn vào tường, bần thần nhớ lại: “Khi thằng con út ốm nặng phải đi bệnh viện, tiền không có, chồng lại không có nhà, tôi phải chạy vạy khắp mọi nơi để chữa chạy cho con. Nhiều hôm, mấy mẹ con đi bắt cáy, trời nắng chang chang, tôi và đứa lớn phải cố nhịn đói vì không còn tiền mua đồ ăn. Lúc đó, tôi rớt nước mắt vì thương con”.

Anh Dũng vội đỡ vợ ngồi xuống ghế, thật thà bày tỏ: “Tôi biết vượt biên là trái pháp luật nhưng nhà tôi rất hoàn cảnh, trình độ hiểu biết kém. Ở nhà làm không đủ ăn đủ sống. Tôi chỉ muốn gia đình đỡ khó khăn hơn, chứ giờ nếu pháp luật xử lý tôi thì tôi cũng đành chấp nhận”.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Trưởng Công an huyện Quảng Xương cho biết: “Vụ việc đang trong quá trình điều tra mở rộng. Không riêng huyện Quảng Xương có tình trạng người vượt biên trái phép mà rất nhiều huyện lân cận như Nông Cống, Thiệu Hóa cũng có tình trạng tương tự. Hiện những người bị bắt, người được cho về, người được bảo lãnh, đều đang chờ xem xét, xử lý. Có trường hợp sẽ bị khởi tố hoặc ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm thời chịu sự quản lý, giám sát của công an”.

Cách xử lý của Công an huyện Quảng Xương như vậy đã hợp tình hợp lý? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

T.N

WIN:

“Họ là dân quê chân chất, thật thà nên khi bị cơ quan chức năng bắt giữ và hỏi, những người dân này đã nói thật. Thực ra, cũng chưa có cơ sở nào bảo họ đang vượt biên trái phép, vì họ đang lưu thông trên đường thuộc địa phận Việt Nam và chưa đặt chân qua biên giới. Xét thêm hoàn cảnh và con người, rất mong các cơ quan chức năng xem xét xử lý cho người dân sao cho có tình, có lý, nhằm giúp người dân nhận thức rõ được sai phạm của mình để không tái phạm”.

H1: Trưởng Công an xã Quảng Vọng cho biết phần lớn những người bị bắt trên đường vượt biên đều là nông dân thuần túy, hiểu biết pháp luật kém.

H1: Anh Nguyễn Văn Dũng (bên trái) vui mừng được trở về với vợ con.

Ý kiến của Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng VPLS Đa Phúc thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Mọi công dân Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau vượt qua ranh giới lãnh thổ Việt Nam sang quốc gia khác mà không thực hiện thủ tục xuất cảnh hợp pháp tại cửa khẩu đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước về quản lý xuất nhập cảnh. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Sự việc các công dân huyện Quảng Xương - Thanh Hóa vì hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, mong muốn vượt sang biên giới Trung Quốc tìm việc làm kiếm kế sinh nhai như vậy không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên do các công dân này vẫn còn trên lãnh thổ Việt Nam, chưa đặt chân sang Trung Quốc nên chưa thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành phạm tội ở tội “xuất cảnh trái phép” theo quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự, hay nói cách khác là tội phạm chưa hoàn thành. Như vậy các công dân này chưa vi phạm pháp luật, sẽ không phải chịu bất cứ hình thức xử phạt, xử lý dù là xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp các công dân huyện Quảng Xương đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sau khi bị phát hiện đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm tiếp thì mới đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “xuất cảnh trái phép” như đã phân tích ở trên.

Theo tôi, các cơ quan chức năng trong đó có Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quảng Xương đang tích cực xác minh, điều tra làm rõ xem có hay không có người nào đứng ra với vai trò tổ chức cho các công dân huyện Quảng Xương xuất cảnh trái phép. Nếu có căn cứ, chứng cứ phát hiện ra, chứng minh được có người đứng ra chuẩn bị phương tiện đi lại, hẹn thời gian địa điểm đưa đón, dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo hoặc cưỡng ép người khác xuất cảnh trái phép thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại Điều 275 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.  Đây là việc làm cần thiết của cơ quan chức năng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật này đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh có vùng giáp ranh với biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng ở các địa phương này cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về xuất nhập cảnh góp phần cảnh báo vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân đồng thời hạn chế và chặn đứng tình trạng tội phạm lợi dụng sự thiếu thiểu biết pháp luật, hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân gây ra tình trạng vượt biên trái phép, trục lợi bất chính từ hoạt động tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài và nạn mua bán người qua biên giới đang diễn ra nhức nhối trong thời gian qua.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất