Xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào khi gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Cập nhật: 5/9/2017 | 4:04:58 PM

Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý hành chính, quản lý trật tự kinh tế, vì nhiều lý do khác nhau không ít các cán bộ, công chức, cơ quan quản lý Nhà nước đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật ra thiệt hại về uy tín, danh dự, kinh tế cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Chẳng hạn như vụ Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tạm giữ lô hàng 2,2 tấn xúc xích Vietfoods của Công ty TNHH thương mại Hùng Anh (có trụ sở tại quận Hoàng Mai - Hà Nội, nhà máy sản xuất tại tỉnh Bình Dương) vì nghi có chất gây ung thư. Ngày 23/5/2016 Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản số 3289/ATTP-KN gửi tới Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kết luận: hạm lượng Natri Nitrat INS 251 được phát hiện trong sản xúc xích Vietfoods từ 55 - 100mg/kg là an toàn cho người sử dụng.

Từ vụ việc trên cho thấy với những nghi vấn chưa có cơ sở xác thực, cơ quan chức năng đã tạm giữ và niêm phong hàng hóa, vội vàng đưa ra thông tin thiếu cơ sở pháp lý cho các cơ quan truyền thông gây ra thiệt hại nặng nề về vật chất và thương hiệu cho doanh nghiệp.

Để làm rõ việc xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước khi gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp như trong vụ việc xúc xích Vietfoods nêu trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hà (Trưởng VPLS Đa Phúc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Lê Ngọc Hà cho biết, căn cứ quy định tại Điều 115 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước (Thủ trưởng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ) trong trường hợp không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã giải quyets nhưng không đồng ý với quyets định giải quyết đó. Đồng thời với việc khởi kiện vụ án hành chính, người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có quyền đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, về uy tín, danh dự, thương hiệu bị ảnh hưởng thiệt hại từ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra. Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 thì để xác định được trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước hoặc cán bộ, công chức, viên chức khi gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp, người yêu cầu bồi thường phải có các căn cứ sau đây:

- Có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định quyết định hành chính của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước hoặc hành vi hành chính của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định;

- Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước hoặc người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.

Trong vụ việc xúc xích Vietfoods, để có căn cứ yêu cầu Tòa án hủy bỏ Quyết định hành chính của Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về việc tạm giữ lô hàng 2,2 tấn xúc xích Vietfoods và yêu cầu bồi thường thiệt hại, Công ty TNHH thương mại Hùng Anh cần phải tập hợp, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh Quyết định hành chính của Đội Quản lý thị trường số 14 là trái pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Hùng Anh cũng đồng thời phải đưa ra các căn cứ chứng minh những thiệt hại thực tế đã phải gánh chịu từ khi Đội Quản lý thị trường số 14 tạm giữ lô hàng 2,2 tấn xúc xích Vietfoods như doanh thu bị giảm sút, sản xuất bị đình trệ, các đối tác, bạn hàng hủy hợp đồng bao tiêu sản phẩm … để cơ quan Tòa án có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất