Người xuất khẩu lao động trốn khỏi doanh nghiệp ở nước ngoài: Người thân vỡ nợ, doanh nghiệp bơ phờ

Cập nhật: 5/9/2017 | 3:43:52 PM

(PL&XH) - Không ít trường hợp người xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi theo những lời dụ dỗ, môi giới của các đối tượng môi giới bất hợp pháp. Hậu quả để lại là người thân phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài do người lao động (NLĐ) phá vỡ hợp đồng.

Thiệt đơn, thiệt kép

Trước tình trạng NLĐ sau khi sang nước ngoài làm việc đã tự ý bỏ trốn đang có xu hướng gia tăng, khiến cho nhiều DN Việt Nam đang phải “đau đầu” vì mất uy tín với đối tác, còn người thân của những NLĐ bỏ trốn này lại có nguy cơ phải hầu tòa vì bị DN kiện. Bởi lẽ, chính người thân đã đứng ra bảo lãnh cho những NLĐ này sang làm việc tại nước ngoài; bên cạnh đó, những lao động bỏ trốn còn phải đối mặt với những hệ lụy như bị cảnh sát “sờ  gáy”, các đối tượng “bảo kê” thường xuyên dọa nạt, đe nẹt để lấy tiền từ những NLĐ bỏ trốn, khiến họ rơi vào tình cảnh hoang mang, lo lắng và không biết đi đâu về đâu.

Trao đổi với PV báo PL&XH về nguyên nhân và thực trạng nhiều lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc lại bỏ trốn có chiều hướng gia tăng, ông Ngô Quang Hải - GĐ Trung tâm xuất khẩu lao động số 1 (Cty CP SimCo Sông Đà) cho hay: Mỗi lần có NLĐ bỏ trốn, là hoạt động sản xuất DN nước ngoài bị gián đoạn, chủ sử dụng lao động bị khách hàng phạt chậm tiến độ giao hàng, xuất xưởng và phải bỏ thêm thời gian, chi phí tuyển lao động mới thay thế nên lập tức họ quay sang phạt DN XKLĐ Việt Nam vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng hình thức phạt tiền và cắt chỉ tiêu tiếp nhận lao động. Còn đối với bản thân NLĐ, sau khi bỏ trốn theo lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới bất hợp pháp, đều chịu cảnh sống làm việc chui lủi, không có giấy phép lao động, không có hộ chiếu, không có thẻ cư trú, bị bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục, bị cảnh sát địa phương bắt và giam giữ, phạt tù và cuối cùng là bị dẫn độ, trục xuất.

Ông Hải cũng cho biết thêm: Nguyên nhân khiến cho NLĐ bỏ trốn khỏi DN là do nghe lời của một số đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn như: Ra ngoài làm việc sẽ có lương cao hơn, thời gian thoải mái, không bị thiếu thốn tình cảm… Hậu quả để lại là thu nhập hàng tháng thấp hơn do không có việc làm thường xuyên; các đối tượng “bảo kê” lợi dụng vòi tiền, dọa sẽ báo cảnh sát nếu không nghe lời bọn chúng. Chính vì vậy mà sau khi bỏ trốn, do không được như mong muốn, nhiều lao động chán nản đã lao vào cờ bạc, lô đề, tệ nạn xã hội… dẫn đến vào tù, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người, còn người thân thì bị DN kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do đã bảo lãnh cho NLĐ bỏ trốn.

Lao động bỏ trốn đang là một vấn đề lo ngại cho cơ quan quản lý Nhà nước, DN và người thân.     Ảnh: Lê Hoàng

Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế

Việc nhiều lao động bỏ trốn hầu hết là do thiếu hiểu biết pháp luật, làm ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, DN mà còn ảnh hưởng chung đến thị trường lao động Việt Nam.  Là một người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường XKLĐ Việt Nam, luật sư Lê Ngọc Hà- Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Hiện trạng NLĐ tự phá vỡ hợp đồng lao động, bỏ trốn ra ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp gây mất uy tín, thiệt hại cho nhà máy, công xưởng nơi làm việc và Cty XKLĐ Việt Nam. Lý do khiến nhiều lao động bỏ trốn là vì tư tưởng không vững vàng, đứng núi này trông núi nọ, bị kẻ xấu lôi kéo dụ dỗ; vô tổ chức kỷ luật, lười lao động, thích hưởng thụ, sa đà, ăn chơi; mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, tự ý chấm dứt hợp đồng lao động. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo lãnh cho lao động; luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định về vấn đề bảo lãnh, trách nhiệm của người bảo lãnh nếu NLĐ bỏ trốn.

Ông Hà dẫn chứng: Ngày 1-8-2013, TAND tỉnh Hải Dương đã tuyên buộc chị gái của lao động Đỗ Văn Hải (xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh) phải bồi thường cho Cty CP SimCo Sông Đà số tiền 90 triệu đồng do lao động bỏ trốn. Hay như vụ ông Phạm Văn Pha, trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mới đây cũng phải bồi thường 84 triệu đồng cho DN XKLĐ do NLĐ mình bảo lãnh bỏ trốn.

Luật sư Hà đưa ra giải pháp nhằm hạn chế lao động bỏ trốn: Nhà nước, DN cần tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng pháp luật Việt Nam và nước sở tại đối với NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời cảnh báo, nêu ví dụ cụ thể về hậu quả của việc lao động bỏ trốn, để họ yên tâm lao động một cách chân chính bên nước bạn!

Lê Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất