Quan tâm đào tạo nghề cho những người bị thu hồi đất

Cập nhật: 5/9/2017 | 2:51:24 PM

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai: Hiện nay chúng ta chưa thực sự quan tâm và chú trọng đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho những gia đình bị mất đất.

Ở nhiều địa phương, sau khi tiến hành thu hồi đất, nhiều doanh nghiệp đã hứa với chính quyền địa phương và người dân bị thu hồi đất là sẽ nhận con em vào làm việc tại doanh nghiệp, để giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, khi lấy được đất, rất ít doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, khiến cho người dân vô cùng bức xúc, bởi con em họ không có công ăn việc làm.

Ngoài ra, dù Nhà nước có quy định các địa phương phải tổ chức đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các gia đình bị thu hồi đất, nhằm chuyển đổi nghề cho những lao động này. Nhưng trên thực tế, hầu hết địa phương không tổ chức các lớp đào tạo nghề mà chỉ hỗ trợ cho người dân bằng tiền. Chính vì vậy mà sau khi tiêu hết tiền, họ không có công ăn việc làm, đã nảy sinh ra nhiều tiêu cực, gây bất ổn trong xã hội.

Vụ nổ súng tại Thái Bình và Tiên Lãng bắt nguôn từ việc mâu thuẫn do thu hồi và đến bù đất.

Phân tích thêm về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Hà- Trưởng văn phòng luật sư Đa Phúc, người có nhiều năm nghiên cứu về lao động nông thôn, đặc biệt là những lao động sau khi bị mất đất cho biết: Hiện nay, một số cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu…Việc giới thiệu lao động sau khi học nghề đi làm việc tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tâm lý người lao động chưa thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp.

Luật sư Lê Ngọc Hà cũng đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng này: Nhà nước cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề không được chạy theo số lượng mà phải nâng cao chất lượng, phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay. Đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp có cam kết với địa phương và người dân sau khi thu hồi đất mà không thực hiện việc nhận con em lao động địa phương vào làm việc.

Đánh giá thêm về những bất cập trong quá trình thu hồi đất, bà Nguyễn Phương Thảo, công tác tại Ban Nội chính Trung ương cho hay: Thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng bỏng, gây ra nhiều bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp nhất hiện nay. Việc thu hồi đất mà chưa có giải pháp phát triển bền vững dấn đến tình trạng bần cùng hóa của người nông dân, khiến họ không có đất sản xuất, phải di cư tự phát tới các đô thị làm thuê, làm bốc vác, khai thác khoáng sản, hoặc đi xuất khẩu lao động… Điều này cho thấy, thu hồi đất không còn là một bài toán về phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về xã hội, quản lý dân cư, sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo. Do vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải quan tâm giải quyết vấn đề thu hồi đất, bảo đảm cho người dân có đất sản xuất, sinh sống, đem lại phát triển bền vững cho quốc gia.

   Lê Hoàng

 

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất