Phân tích và cho ví dụ về các hành vi gây nguy hại cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự như sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.

Cập nhật: 7/9/2017 | 3:27:53 PM

Phân tích và cho ví dụ về các hành vi gây nguy hại cho xã hội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự như sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết.

Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Anh A có giấy phép lái xe đang điều khiển xe ô tô lưu thông đi đúng tốc độ cho phép, đi đúng làn đường theo quy định, bất chợt chị B đang đi bộ trên vỉa hè lao ngay ra trước đầu xe ô tô của anh A để tự tử. Anh A đã đạp phanh gấp và chuyển hướng tránh nhưng không kịp, ô tô của anh A vẫn va chạm với chị B làm chị B tử vong. Trong trường hợp này anh A sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật đối với hậu quả tử vong của chị B.

Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Ví dụ: Qua hệ thống camerra giám sát, anh K là bảo vệ của Ngân hàng phát hiện B đang dùng xà beng cậy phá cây ATM của Ngân hàng để lấy tiền. Khi anh K chạy đến ngăn chặn thì B dùng xà beng vụt thẳng vào người anh K. Anh K dùng dùi cui gỗ đỡ xà beng đồng thời vụt mạnh 02 nhát vào tay B làm B rơi xà beng và bỏ chạy. Hành vi dùng dùi cui gỗ của anh K gây thương tích vào tay B là hành vi phòng vệ chính đáng, không phải là tội phạm.

Trong trường hợp sau khi B đã rơi xà beng không tấn công lại anh K nữa mà anh K tiếp tục đuổi theo, dùng dùi cui đánh mạnh nhiều nhát vào đầu, vào mặt của B gây thương tích cho B thì anh K lại là người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Anh K sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 Bộ luật hình sự.

Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Anh B đang điều khiển xe máy trên đường đi làm thì phạt hiện 02 thanh niên ngồi trên xe máy phân khối lớn có hành vi cướp giật dây chuyền vàng và túi xách đựng nhiều tiền của 01 phụ nữ đang đi xe đạp điện rồi bỏ chạy. Anh B điều khiển xe máy đuổi theo, khi xe máy của anh A đuổi kịp thì 02 tên cướp rút dao ra đe doạ. Anh B tri hô nhờ mọi người ứng cứu đồng dùng chân đạp vào thân xe máy của 02 tên cướp làm xe của bọn chúng đổ xuống tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân khu vực bắt giữ kịp thời. Xe máy của 02 tên cướp bị hư hỏng nhẹ, 02 tên cướp bị thương tích nhẹ tuy nhiên lại thu hồi được tài sản trả lại cho người bị hại. Hành vi của anh B tuy gây thiệt hại cho tài sản và sức khoẻ của 02 tên cướp nhưng đã ngăn ngừa tội phạm kịp thời, bảo vệ được tài sản hợp pháp của công dân nên hành vi của anh B không phải là tội phạm.

Luật sư Lê Ngọc Hà tư vấn pháp luật trên VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất